Biến động top 10 thị phần môi giới chứng khoán: Choáng với Vietcap của bà Nguyễn Thanh Phượng

21/10/2024 12:20

Từ thị phần top 6 trên HoSE trong quý 2-2024, chỉ sau 3 tháng, Chứng khoán Vietcap của bà Nguyễn Thanh Phượng vọt lên vị trí thứ 4, thay thế cho VNDirect của bà Phạm Minh Hương.

Biến động top 10 thị phần môi giới chứng khoán: Choáng với Vietcap của bà Nguyễn Thanh Phượng

Chứng khoán SSI của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng suy giảm thị phần môi giới trong quý 3-2024 - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

HoSE đã công bố top 10 thị phần môi giới chứng khoán quý 3-2024. Các công ty chứng khoán cũng lần lượt ra báo cáo tài chính quý gần cuối của năm nay.

Số liệu thể hiện những chuyển động đáng chú ý trong ngành chứng khoán.

Nhiều 'ông lớn' chứng khoán đánh rơi thị phần

Trong bảng xếp hạng, cái tên quen thuộc VPS vẫn áp đảo các đối thủ khi chiếm 17,63%. Nhưng điều đáng quan tâm, công ty chứng khoán của Chủ tịch Nguyễn Lâm Dũng đang "co" lại thị phần, sau 3 quý liên tiếp giảm.

Thị phần còn lại trong quý 3 này cũng là mức thấp nhất trong vòng hơn một năm gần đây của VPS.

Nhưng không riêng VPS, Chứng khoán SSI của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng ổn định vị trí "á quân" nhưng chỉ còn nắm 8,84%, "rớt" mất 0,47% so với quý trước.

Ở vị trí top 3, Chứng khoán Kỹ Thương - TCBS, cũng "đánh rơi" mất 0,36% thị phần, còn lại 7,09% trong quý 3 này.

Đáng chú ý và gây bất ngờ nhất là Vietcap (VCI) do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch. Từ thị phần top 6 trên HoSE trong quý 2-2024, chỉ sau 3 tháng, Vietcap vọt lên vị trí thứ 4, thay thế cho VNDirect (VND) của bà Phạm Minh Hương.

CTCKQ1-2024Q2-2024Q3-2024

VPS 20,29 18,16 17,63
SSI 9,32 9,31 8,84
TCBS 6,56 7,45 7,09
VNDirect 6,01 6,46 5,7 (Top 6)
HSC 5,92 6,41 6,65 (Top 5)
Vietcap 5,57 5,32 6,78 (Top 4)
MBS 4,98 4,76 4,69
Mirae Asset 4,64 4,4 4,5
VCBS 3,02 2,97 Bật khỏi top 10, FPTS thay thế
KIS Việt Nam 2,82 2,87 2,96

Bảng xếp hạng thị phần trên HoSE - Đơn vị: %

Việc mở rộng thị phần rất tốc độ của Vietcap diễn ra sau khi bà Phượng cùng cộng sự chuyển hướng sang đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư cá nhân.

Chiến lược trước nay của Vietcap tập trung nhiều vào nhóm khách hàng tổ chức. Nhưng sau COVID-19, thị trường nhiều thay đổi, nhà đầu tư cá nhân đã chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường, xấp xỉ 90%.

Điểm lạ, lãnh đạo Vietcap lại khẳng định với cổ đông tại cuộc họp năm nay, họ chưa có ý định tham gia cuộc cạnh tranh "zero fee" khốc liệt đang diễn ra trên thị trường chứng khoán. Dù vậy, thị phần vẫn đang tăng dần đều. Không chỉ trên HoSE, thị phần của Vietcap còn gây bất ngờ trên cả HNX.

Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect "tụt" xuống vị trí thứ 6, với thị phần chỉ còn 5,7% trong quý 3 vừa qua. Đây cũng là mức thị phần thấp nhất trong vòng 8 năm, kể từ đầu năm 2016 của công ty này.

Điều này không quá bất ngờ, nhiều dự báo đã cho rằng VNDirect có thể giảm thị phần đáng kể sau sự cố vì mất niềm tin ở hệ thống bảo mật.

Ở vị trí thứ 5 với 6,65%, Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã trải qua nhiều quý liên tiếp tăng trưởng về thị phần. Trong khi đó, FPTS thế chân VCBS cho vị trí top 9, với thị phần 2,97%. Còn lại ở một số công ty chứng khoán khác trong top 10, thị phần có chút biến động, nhưng thứ hạng không thay đổi.

Thị phần lớn nhất, nhưng không lãi nhất

Cuộc đua thị phần môi giới chứng khoán khốc liệt. Tuy nhiên, thị phần lớn chưa hẳn đi kèm với lợi nhuận cao.

Báo cáo tài chính quý 3-2024 vừa công bố cho thấy quán quân thị phần VPS có lợi nhuận xếp sau đáng kể so với TCBS. Cụ thể, VPS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động trong quý 3 đạt 1.644 tỉ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu từ môi giới chứng khoán của VPS giảm khá mạnh, từ mức 953 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 713 tỉ đồng năm nay.

Điều này có thể lý giải, do VPS hoạt động dựa vào thị phần môi giới là chủ yếu, trong khi thị trường chứng khoán trong quý 3 khá "ậm ạch" với thanh khoản thấp.

Tuy nhiên, do chi phí hoạt động giảm rất mạnh, từ mức gần 1.300 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 668 tỉ đồng năm nay.

Riêng chi phí cho hoạt động môi giới chứng khoán giảm gần 140 tỉ đồng. Kết quả, lợi nhuận ròng của VPS vẫn đạt 656 tỉ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ.

Dù thị phần top 4, TCBS với lợi thế về cho vay margin lại là công ty chứng khoán lãi nhất ngành. Doanh thu hoạt động quý 3 của TCBS tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 1.845 tỉ đồng. Lợi nhuận ròng trong quý này đạt 877 tỉ đồng, giảm 4%.

Hưởng lợi khi thị phần "phình" lên, Vietcap ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trong quý 3 này.

Trong đó, doanh thu hoạt động đạt 974 tỉ đồng trong kỳ này, tăng 46%, còn lãi sau thuế đạt 215 tỉ đồng, tăng 20%.

Biến động top 10 thị phần môi giới chứng khoán: Choáng với Vietcap của bà Nguyễn Thanh Phượng

Cuộc đua 'zero fee' chứng khoán: xuất hiện bất ngờ, đổi lợi nhuận môi giới để được gì?

Nghiệp vụ môi giới chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu công ty chứng khoán. Song cuộc đua giành thị phần khiến biên lợi nhuận mảng này bị bào mòn trông thấy.

BÌNH KHÁNH

Theo Nguồn tuoitre.vn

Biến động top 10 thị phần môi giới chứng khoán: Choáng với Vietcap của bà Nguyễn Thanh Phượng - Chính Sách