Hai phương án giảm ùn tắc đăng kiểm
Nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc đăng kiểm hiện nay, trước kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA), Cục Đăng kiểm đề xuất giải pháp áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023 đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe gia đình - PV) mà chủ phương tiện không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại.
Để triển khai đề xuất trên, Cục Đăng kiểm đã nghiên cứu hai phương án.
Giấy tự động gia hạn đăng kiểm cho xe gia đình chỉ có hiệu lực đến 31/12/2024. (Ảnh minh họa)
Phương án 1, chủ phương tiện quay lại trung tâm đăng kiểm đã thực hiện kiểm định trước đó để thực hiện việc cấp lại giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.
Tuy nhiên, phương án này không thực hiện được do một số trung tâm đang bị đóng cửa. Song song đó, chủ phương tiện mang xe đến trung tâm sẽ tiếp tục gây ùn tắc, phát sinh chi phí cấp, đổi giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.
Phương án 2, tự động áp dụng chu kỳ kiểm định mới cho các phương tiện thuộc trường hợp được áp dụng chu kỳ kiểm định mới mà không phải đổi lại giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.
Cục Đăng kiểm cho rằng, phương án này giúp chủ phương tiện không phải đến trung tâm đăng kiểm, không phát sinh các thủ tục và chi phí cho chủ phương tiện và trung tâm trong việc đổi giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.
Tuy nhiên, phương án này sẽ gây ra khó khăn cho các đơn vị kiểm soát phương tiện khi tham giao thông cũng như xác định trách nhiệm bồi thường của cơ quan bảo hiểm.
Ngoài ra, cơ quan đăng kiểm phải tốn chi phí trong việc xây dựng phần mềm, thuê đường truyền và hạ tầng công nghệ thông tin… để thực hiện chức năng tra cứu thông tin và in Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.
Hiệu lực giấy xác nhận tự động giãn chu kỳ đăng kiểm
Về vấn đề tự động gia hạn đăng kiểm cho xe gia đình, Bộ GTVT đã giao Cục Đăng kiểm làm việc với Cục Cảnh sát giao thông để cấp Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định (viết tắt là Giấy xác nhận - PV) đối với các phương tiện này.
Cục Cảnh sát giao thông đề nghị chỉ nên áp dụng trong vòng 1 năm kể từ ngày quy định này có hiệu lực. Ví dụ: Quy định này có hiệu lực từ tháng 6/2023 thì chỉ áp dụng hết tháng 6/2024, có nghĩa là thời hạn tiếp tục sử dụng của Giấy xác nhận trong mọi trường hợp không vượt quá ngày 31/12/2024.
Cục Cảnh sát giao thông đưa ra lý do đây chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm hiện tại, nên không cần thiết kéo dài thời gian và gây khó khăn cho cơ quan có liên quan.
Hiệu lực của Giấy xác nhận được sử dụng đến hết thời hạn tính theo chu kỳ kiểm định mới, thời điểm xác định được tính từ ngày quy định này có hiệu lực. Lý do là để xác định trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện cũng như xử lý vi phạm hành chính của các lực lượng chức năng...
Mất ít nhất 6 tháng mới giải quyết được ùn tắc
Theo Cục Đăng kiểm, ngày 21/3, Bộ GTVT đã ban hành thông tư 02, sửa đổi, bổ sung Thông tư 16. Trong đó, xe gia đình, cá nhân được nới chu kỳ kiểm định.
Tuy nhiên, Thông tư 02 không hồi tố nên các phương tiện được giãn chu kỳ đăng kiểm chỉ được áp dụng chu kỳ đăng kiểm mới sau khi đến trung tâm đăng kiểm thực hiện kiểm định. Điều này khiến lượng xe đến các trung tâm đăng kiểm vẫn rất đông gây ùn tắc.
Thống kê cho thấy, số lượng phương tiện hiện tại đã hết hạn nhưng chưa được kiểm định là gần 900.000 xe; số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới (từ tháng 5/2023 đến hết tháng 10/2023) là khoảng 2,1 triệu xe. Tổng số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng cuối năm 2023 là khoảng 3 triệu xe.
Với số dây chuyền kiểm định hiện tại, Cục Đăng kiểm dự báo, cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng phương tiện nêu trên. Đặc biệt, khu vực Hà Nội và TP.HCM có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn các địa phương khác.
Bình luận