Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới
Bộ Công Thương cho biết, trong nhiều tháng, giá gạo 5% tấm xuất khẩu luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt Thái Lan và Ấn Độ.
Năm ngoái xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, cao nhất 10 năm. Đà tăng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì trong hai tháng đầu năm nay, với mức bình quân hơn 519 USD một tấn. Vì thế sản lượng xuất khẩu gạo tuy giảm nhưng vẫn tăng xấp xỉ 7% về giá.
Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ giá gạo duy trì ở mức cao vì nhu cầu tăng cao, cùng đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp gạo cũng được mở rộng nhờ chi phí đầu vào hạ nhiệt.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới (Ảnh: Tâm An)
Nông sản Việt tìm chỗ đứng tại thị trường Anh
Sau bưởi diễn và bưởi đỏ Tân Lạc, đầu tháng này, 7 tấn cam Cao Phong đầu tiên nhập khẩu vào Anh đã chính thức được bày bán. Đây là tín hiệu cho thấy nông sản Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng và có nhiều cơ hội để xuất khẩu.
Thành công của những lô nông sản này cũng là cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của nước ta xây dựng chiến lược phù hợp. Từ đó, có thể đưa nhiều sản phẩm nông sản tới các thị trường có tính cạnh tranh cao.
Xuất khẩu thanh long giảm 3 năm liên tiếp
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm 3 năm liên tiếp kể từ 2019.
Cũng trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Giá điện chắc chắn sẽ điều chỉnh
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá ngày 24/3, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh. Do đó, cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.
Tại thông báo kết luận giao ban tháng 3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Điều tiết điện lực tiếp tục đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, báo cáo Bộ Công Thương về phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khung giá vé máy bay nội địa có thể sắp tăng cao
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến từ quý II hoặc quý III năm nay sẽ điều chỉnh khung giá dịch hàng không (trần giá vé máy bay nội địa) tăng trung bình 3,75% so với hiện tại.
Cụ thể, so với hiện tại, đường bay từ 1.280 km trở lên tăng mạnh nhất với mức 6,67%, lên tối đa 4 triệu đồng. Từ 1.000 km đến dưới 1.280 km tăng 6,25%, tương ứng 3,4 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức tăng 2,89 triệu đồng (tương ứng với 3,58%).
Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, giá vé máy bay tăng trần 2,25 triệu đồng (tương ứng với mức tăng 2,25%). Các nhóm đường bay dưới 500 km và đường bay kinh tế-xã hội (có hỗ trợ của nhà nước) vẫn giữ nguyên.
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương
Mức thuế nhập khẩu sản phẩm khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi thuỷ sản vừa được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị xem xét giảm từ 2% xuống 0%.
VASEP cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương xuống 0% sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung.
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương (Ảnh: Báo Đầu Tư)
Thêm ngân hàng tăng, giảm lãi suất huy động
Kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm một số mức lãi suất điều hành từ 15/3, lãi suất huy động cũng giảm mạnh. Mới đây nhất, ngày 23/3, Sacombank thay đổi biểu lãi suất huy động mới, giảm 0,3-0,6 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Một số ngân hàng quốc doanh cũng điều chỉnh giảm lãi suất. Chẳng hạn, VietinBank từ ngày 22/3 giảm lãi suất tiết kiệm online khoảng 0,5-0,6 điểm %. Trước đó, BIDV đã giảm lãi suất cao nhất xuống còn 7,7%/năm.
Trong khi các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động, một số ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất kể từ đầu tháng 3 đến nay thì Ngân hàng SCB bất ngờ tăng lãi suất huy động với hình thức online lên đến 9%/năm với tiền gửi các kỳ hạn từ 6-36 tháng.
Trung Quốc chỉ định 2 cửa khẩu được nhập lương thực từ Việt Nam
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, Hải quan Trung Quốc vừa công bố danh sách cập nhật các địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực theo quy định của nước này.
Cụ thể, cửa khẩu Đông Hưng (cầu Bắc Luân 2 - phía Việt Nam là cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) và cửa khẩu Hữu Nghị Quan (phía Việt Nam là cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn) chính thức được Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghiệm thu, trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực.