Diện tích rừng sản xuất của người dân huyện Ba Chẽ bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 (Ảnh: Bình Minh)
Trong đó diện tích trồng cây keo từ 2 - 6 năm tuổi, ước thiệt hại khoảng 14.500 ha, chiếm 40% tổng diện tích hiện có của huyện (khoảng 10.000 ha của hộ dân và 4.500 ha của các doanh nghiệp); làm gẫy đổ khoảng 100 ha cây thông và 50 ha cây gỗ lớn (cây lim xanh 3 năm tuổi).
Hiện nay huyện Ba Chẽ đang tích cực chỉ đạo công tác đánh giá thực trạng đối với các diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại của các tổ chức, cá nhân sau mưa bão. Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện rà soát, tổng hợp đánh giá thiệt hại của khách hàng đang vay vốn. Đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật, để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Rừng keo bị gãy đổ gần như mất trắng diện tích cây (Ảnh: Bình Minh)
Mặc dù trồng cây keo đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, giúp bà con nhanh chóng thoát nghèo. Tuy nhiên, cây keo cũng là loại cây trồng có khả năng chống chịu gió bão kém. Cơn bão số 3 rất nhiều hộ gia đình đã bị mất trắng toàn bộ diện tích cây trồng gây ảnh hưởng tới kinh tế cũng như việc làm. Trong khi đó huyện Ba Chẽ người dân chủ yếu sinh sống chủ yếu vào lâm nghiệp, việc trồng, khắc phục toàn bộ diện tích rừng bị ảnh hưởng sau bão cũng phải mất rất nhiều thời gian và chi phí cây giống, nhân công.
Theo báo cáo nhanh, tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh Quảng Ninh có 73.964ha rừng trồng bị thiệt hại, chủ yếu bị gãy ngang thân, đổ rạp hoặc bật gốc. Trong đó, nhiều nhất là TP Hạ Long thiệt hại 22.030ha; Ba Chẽ thiệt hại 14.560ha; Vân Đồn thiệt hại 11.298ha; Tiên Yên thiệt hại 9.128ha…
Người dân khắc phục diện tích rừng Lim bị gãy đổ sau bão (Ảnh: Bình Minh)
Cũng theo báo cáo của các đơn vị, đối với diện tích rừng từ 1-5 tuổi bị gãy đổ, người dân sẽ gần như mất trắng, không thể tận thu; đối với diện tích rừng từ 5 tuổi trở lên, có thể tận thu được khoảng 40% giá trị đầu tư.
Hiện nay một số hộ dân trồng rừng đã bắt đầu tổ chức chặt hạ, thu hồi cây rừng gãy đổ để bán cho các cơ sở thu mua. Tuy nhiên các cơ sở thu mua với giá thấp hoặc không thu mua do chất lượng gỗ thấp do bị bão làm gãy đổ, đồng thời các cơ sở thu mua này cũng đang bị thiệt hại về cơ sở vật chất sau bão, hiện chưa thể hoạt động.
Tại tỉnh Quảng Ninh, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra rất nặng nề, ước tính sơ bộ toàn tỉnh khoảng 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc. Trong đó, có 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm.
Hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.500 ha lúa bị ngập; hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại…
V. Hùng