Trong thư gửi về nhà, liệt sĩ Lê Thế dặn mẹ giữ gìn sức khỏe, hứa sẽ sớm về lại Đà Nẵng nhưng không ngờ đó mãi là lời hẹn ước dở dang. Anh cùng 63 chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Lời tòa soạn:
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin…
64 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. 35 năm qua, những câu chuyện anh dũng về những tấm gương quên mình hy sinh vẫn lưu truyền mãi. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu những câu chuyện bất khuất không thể nào quên...
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu đến tấn công, xâm chiếm đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa), sát hại 64 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo.
Gạc Ma đã đi vào trang sử bi tráng của dân tộc với hình ảnh những người lính siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc, mặc cho pháo đạn dội vào.
“Vòng tròn bất tử” Gạc Ma đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước. 35 năm là khoảng thời gian khá dài để thay đổi nhiều thứ, song với những người mẹ có con hy sinh ở đảo Gạc Ma, nỗi thương nhớ con vẫn khôn nguôi...
Lá thư cuối cùng
Đặt ghế ngồi trước nhà, đôi mắt đỏ hoe nhìn về hướng biển, mẹ Trần Thị Huệ (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) – mẹ liệt sĩ Lê Thế cho biết, con trai mẹ hy sinh lúc 23 tuổi, sau hơn một năm nhập ngũ. Những ngày này, đi đâu mẹ cũng thấy hình bóng của anh Thế.
Mẹ Huệ không cầm được nước mắt khi nhắc đến liệt sĩ Lê Thế
Mẹ Huệ năm nay 81 tuổi. Tuy già yếu nhưng vẫn rất minh mẫn. 35 năm qua nỗi nhớ con vẫn chưa nguôi ngoai, mỗi lần có ai nhắc đến con trai mẹ không cầm được nước mắt.
Mẹ kể, được làm bộ đội, khoác lên mình chiếc áo của người lính là niềm mơ ước từ nhỏ của anh Thế. Nhưng vì khối u nhỏ ở mắt trái nên 2 lần đi khám, anh vẫn không được tuyển. Quyết tâm vào bộ đội, anh đi khám và nhờ bác sĩ cắt bỏ khối u. Anh Thế lần nữa đi khám nghĩa vụ và được gọi tên lên đường nhập ngũ.
Sau thời gian nhập ngũ, đầu xuân năm 1988, anh Thế báo tin sẽ vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để ra Trường Sa xây dựng đảo.
“Khi còn ở với gia đình, thằng Thế lúc nào cũng mong tôi khỏe mạnh. Bởi ba nó mất khi nó chỉ mới 3 tuổi. Một mình tôi nuôi Thế với 2 em khôn lớn. Trước ngày đi, nó có tranh thủ chạy về thăm tôi, dặn dò tôi và các em giữ sức khỏe. Nó nói, con đi bộ đội, hồi mô con về thì giúp má làm nhà xong rồi cưới vợ, chăm lo cho má. Chiều chia tay con lúc đó tôi còn làm ngoài đồng nên cũng không nấu được bữa cơm để cùng ăn với con…”, mẹ Huệ nhớ lại.
Lá thư của anh Thế được mẹ giữ gìn như báu vật và coi đó như xương cốt của anh
Vài ngày sau khi anh Thế đi vào Nha Trang, mẹ nhận được lá thư của anh gửi về. Lá thư với nét chữ nghiêng, luôn dặn dò mẹ giữ sức khỏe vì đó là điều quý giá nhất anh mong muốn và dặn hai em chăm lo cho mẹ. Kết thư, anh hẹn ngày trở về lại Đà Nẵng nhưng không ngờ đó mãi là lời hẹn ước dở dang…
“Được thời gian thì tôi nhận được tin báo con trai cùng đồng đội bị quân Trung Quốc bắn chết, một số còn sống thì bị bắt. Nghe tin tôi chết lặng, nhưng vẫn hy vọng nó nằm trong số các chiến sĩ bị bắt. Nhưng rồi bặt vô âm tín, con đi mãi, đi mãi không quay về nữa”, nước mắt mẹ lại lăn dài trên gò má.
Những nét chữ cuối cùng của anh Thế luôn được mẹ Huệ giữ gìn như báu vật và coi đó như xương cốt của anh. Năm 2017, sau này khi bảo tàng Cam Ranh hoàn thành, bức thư được mẹ tặng lại cho phòng lưu trữ di vật liệt sĩ Gạc Ma trong khu tưởng niệm. Mẹ photo một bản riêng cất giữ, 35 năm qua mẹ sống với những lời dặn dò cuối cùng của con, mỗi lần nhớ con mẹ lại lấy ra đọc.
Nếu lựa chọn lại, vẫn cho con theo binh nghiệp
35 năm qua, nỗi đau, nỗi nhớ con trai vẫn in hằn trong ánh mắt của mẹ Lê Thị Lan (80 tuổi, ngụ quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)- mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc.
Con trai mẹ hy sinh năm 21 tuổi, sau hơn một năm nhập ngũ. Nhắc đến con trai mắt mẹ lại ngấn lệ, nghẹn ngào. Kể từ ngày anh Lộc ngã xuống, mẹ bảo nhiều đêm mẹ vẫn mơ thấy con về. Người mẹ già vẫn khôn nguôi day dứt vì chưa thể mang hài cốt của anh Lộc trở về quê nhà. Thi thể anh cùng 63 đồng đội vẫn còn nằm lại nơi biển lạnh.
Đôi mắt mẹ Lan sâu thẳm nỗi buồn khi kể về con trai
Đôi mắt sâu thẳm nỗi buồn, mẹ kể, hồi còn đi học, anh Lộc thường bán kem hoặc mò cua, bắt ốc phụ cha mẹ nuôi các em. Trước ngày lên đường, anh Lộc ghé về nhà ăn vội bữa cơm rồi tạm biệt mọi người.
"Lộc là đứa ngoan lắm, trước đây mẹ làm ở công ty môi trường mỗi khi đi học về là lại theo phụ mẹ đến tối. Ngày Lộc lên đường, mẹ đưa cho Lộc cái chăn. Lúc đầu nó không chịu, nói ở đó không lạnh nhưng mẹ cứ dặn mang đi, nhỡ đâu lạnh thì có đắp. Rồi chẳng hiểu sao nó quay lại nói, bữa ni con đi luôn chứ không về. Rứa là nó không về thật…", mẹ Lan nói đứt quãng.
Thời gian vơi đi, với mẹ Lan, mẹ Huệ, dù mất mát, đau thương nhưng bản thân luôn tự hào vì các con của mẹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Nếu bây giờ cho mẹ lựa chọn, mẹ vẫn cho thằng Lộc ra khơi giữ đảo của Tổ quốc. Gạc Ma, Trường Sa là của Việt Nam", mẹ Lan nói.
Thả hoa đăng tưởng nhớ 64 liệt sĩ Gạc MaBan liên lạc bộ đội Trường Sa và người thân tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma 35 năm trước.
Lần về phép cuối cùng rồi ra đi mãi của chiến sĩ Gạc MaNhững bức thư gửi về trước lúc ra đảo làm nhiệm vụ của chiến sĩ Phan Huy Sơn (quê Nghệ An) là kỷ vật thiêng liêng để lại cho vợ con, gia đình trước lúc hy sinh.
Bình luận