Bệnh nhân đau lưng khoảng 20 năm qua, tự mua thuốc uống nhiều nơi nhưng không hiệu quả. Khi cơ thể vẹo hẳn sang bên phải, người này mới chịu đến bệnh viện.
Theo bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, Trưởng đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), bệnh nhân là một phụ nữ hơn 60 tuổi, bắt đầu đau nhiều vùng thắt lưng cách đây 20 năm.
Khi uống thuốc Tây không bớt, bà chuyển sang uống thuốc Bắc. Sau vài tháng, bà giảm đau nhưng bị phù người nên ngưng điều trị.
Khoảng 50 tuổi, bà đi khám tại một bệnh viện ở TP.HCM và được chẩn đoán vẹo cột sống do thoái hóa nặng kèm thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Bệnh viện này không xử trí gì thêm.
Đến năm 2019, bệnh nhân thường xuyên đau âm ỉ vùng lưng - thắt lưng. Bà tự ra nhà thuốc mua thuốc uống tạm, giảm đau ít nhưng không hết hẳn. Cơn đau tăng dần cho đến cách nhập viện một năm, lưng bệnh nhân bị vẹo rõ sang phải.
Theo người bệnh, có lẽ do mỗi lần nghiêng sang phải bà cảm thấy bớt đau nên cơ thể vẹo hẳn sau một thời gian dài làm như vậy. Thời điểm này, cơn đau lưng cũng tăng đáng kể, thuốc uống không còn hiệu quả.
Hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật vẹo cột sống thắt lưng. Ảnh: BVCC.
Cách nhập viện 1 tháng, bệnh nhân đau nhiều vùng thắt lưng, lan xuống và tê bì hai chân, đi lại khó khăn, cúi ngửa đau nhiều, đi được 5-10m phải nghỉ. Lúc này, người bệnh quyết định nhập viện điều trị
Tại Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương, kết quả chẩn đoán hình ảnh bao gồm Xquang-EOS toàn thân và MRI cho thấy bệnh nhân bị vẹo cột sống ngực-lưng (từ ngực 1 đến ngực 11) 27 độ, vẹo cột sống thắt lưng (ngực 12 đến thắt lưng 4) là 42 độ, thoái hóa cột sống, còng cột sống, mất ưỡn cột sống thắt lưng, biến dạng phức hợp khung chậu - cột sống, mất thăng bằng nặng toàn bộ cột sống, đường trọng lực đổ ra trước.
Ngoài ra, bà còn bị hẹp ống sống lưng - thắt lưng nhiều tầng, chèn ép ống sống và rễ thần kinh tương ứng, thoái hóa đốt sống dạng thoái hóa mỡ, biến dạng mất độ ưỡn sinh lý cột sống thắt lưng.
Theo bác sĩ Tâm, người bệnh được chẩn đoán thoái hóa nặng cột sống thắt lưng gây biến dạng cột sống, vẹo cột sống ngực - thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng nhiều tầng gây chèn ép rễ thần kinh, mất thăng bằng cột sống.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật giải ép, ghép xương, cắt đĩa đệm hàn xương liên thân đốt cột sống thắt lưng, kết hợp nắn chỉnh đường cong trước sau cột sống thắt lưng. Do đây là trường hợp khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm về nắn chỉnh mà không làm tổn thương thần kinh như đứt rễ thần kinh, rách màng cứng gây liệt…
Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 7 giờ 30 phút, bệnh nhân cao thêm 8cm. Hiện dáng đi thẳng, người và phần đầu không còn đổ về trước khi đi hay đứng, hết đau tê hoàn toàn chân phải, chân trái còn tê rất ít, sức cơ hoàn toàn bình phục.
Bác sĩ Tâm cho biết tỷ lệ vẹo cột sống ở người trưởng thành chiếm từ 2-32%. Bệnh thường bắt đầu ở 50 tuổi ở cả nam và nữ. Nhiều báo cáo cũng cho thấy vẹo cột sống do thoái hóa chiếm tỷ lệ 68% ở người trên 60 tuổi và tăng dần khi tuổi cao hơn.
Vẹo cột sống người trưởng thành do thoái hóa đòi hỏi các bác sĩ phải can thiệp vào cấu trúc giải phẫu của cơ thể thông qua phẫu thuật. Không có một loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc bắc hay thuốc quảng cáo trên mạng có thể chỉnh sửa được bất thường cấu trúc trong cơ thể.
Người bệnh nên đến cơ sở y tế khi các sinh hoạt hằng ngày gặp khó khăn, hoặc khó khăn khi vận động cúi ngửa cột sống, đau thắt lưng nhiều khi ngồi trên 30 phút, đau lưng lan xuống chân….
Linh Giao