Người xa quê háo hức xuân đoàn tụ

16/09/2024 09:12

Là những sinh viên, người lao động quanh năm sinh sống xa nhà, Tết vì thế trở thành một dịp đặc biệt để chờ đợi và mong mỏi. Với họ, được đón một cái Tết đầm ấm bên gia đình là một mơ ước lớn lao và đẹp đẽ.

Anh Nguyễn Hữu Phước (công nhân môi trường ở Hà Nội) cho biết, bất cứ khi nào được sum vầy bên gia đình, đối với anh đó đều là tết.

“Với tôi, tết là giây phút nhìn thấy mẹ vẫn mạnh khỏe sau một năm tôi đi làm xa nhà, là những bông hoa điểm mười mà đứa em gái khoe tôi ngày trở về. Năm nào không về tết là trong lòng cứ thấy trống trải và buồn nhiều lắm. Năm nay đã hứa với mẹ là sẽ về, nên tôi đang ráng kiếm tiền mua vé xe tết đấy”, anh Phước tâm sự.

Người xa quê háo hức xuân đoàn tụ

Không khí Tết ngập tràn trên các con phố (Ảnh minh họa)

Không chỉ riêng Phước mà đối với rất nhiều người xa xứ khác, tấm vé về quê đón tết càng trở nên ý nghĩa. Nhiều người còn phải canh vé và thấp thỏm đặt vé từ nhiều tháng trước tết.

Chị Nguyễn Ngọc Lan quê ở Nghệ An đã chủ động đặt vé tàu về quê trước Tết 2 tháng. Năm nay nữa là tròn 10 năm cô gái trẻ sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội.

Lan là một người “xê dịch”. Cô đam mê những chuyến đi, thích du lịch khắp đó đây. Bạn bè của Lan không còn cảm thấy lạ lẫm khi cô đăng ảnh đi khắp nơi, lúc ở điểm địa đầu Tổ quốc – Hà Giang, khi ở nơi tận cùng đất nước – Mũi Cà Mau. Những lúc có thời gian rảnh, cô thường hành trình khám phá nhiều vùng đất mới, có thể ở trong nước, có lúc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, từng ấy năm xa quê, cũng từng ấy thời gian cô chưa bao giờ thay đổi chuyến đi cuối cùng mỗi năm của mình là trở về nhà trong dịp Tết cổ truyền để đoàn viên cùng gia đình.

Nguyễn Ngọc Lan chia sẻ: “Xã hội càng hiện đại, người ta càng hoài niệm và ước ao cái Tết đoàn viên, sum vầy. Tôi cũng chỉ mong mình luôn thu xếp được công việc, trở về với bố mẹ những ngày Tết. Dù biết rằng tất cả các cô bác, hàng xóm hễ gặp tôi sẽ hỏi "bao giờ lấy chồng" nhưng không sao, tôi sẽ bình tĩnh trả lời từng người, Tết mà”.

Xa quê lập nghiệp cũng ngót 15 năm, Nguyễn Anh Hùng, quê ở Thanh Hóa làm việc tại Hà Nội quen với mỗi chiều 28 Tết là lên chuyến xe khách trở về nhà.

Hùng chia sẻ, 15 năm kể từ ngày anh xa nhà, gia đình đã đổi thay rất nhiều. Năm nào nhà anh vẫn còn ông bà nội, ngoại, giờ thì Tết về, Hùng chỉ còn đứng trước bàn thờ thắp hương cho ông bà. Rồi anh chị em trong nhà lập gia đình, những đứa cháu của cậu cũng lần lượt được ra đời và lớn lên, đúng như quy luật của tạo hóa.

“Giờ này tôi chỉ mong nhanh chóng xong mọi việc để có mặt ở nhà, ngồi quây quần cùng bố mẹ gói bánh chưng. Tôi luôn nhớ hình ảnh mẹ đong gạo, bố lật gấp từng tàu lá dong, gói gém thành cái bánh vuông vức thật đẹp. Sau đó, gia đình tôi thay phiên nhau túc trực nồi bánh chưng trên bếp củi, nghĩ đến mà háo hức trở về vô cùng”, Hùng bày tỏ.

Người xa quê háo hức xuân đoàn tụ

Người xa quê háo hức đếm ngược từng ngày chờ Tết đến để về đoàn tụ cùng gia đình

Tết đến, mỗi người lại mong chờ giây phút đoàn viên, vui vầy cùng gia đình. Và đối với không ít những học sinh, sinh viên, người lao động xa quê có hoàn cảnh khó khăn, một cái tết sum vầy, đoàn viên luôn được ngóng trông khắc khoải.

-> Người Việt đón Tết cổ truyền nơi đất kháchKim Ngân

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Người xa quê háo hức xuân đoàn tụ - Đời Sống