Đứng bất động hàng giờ trên các tuyến phố đi bộ ở TP Huế để kiếm khoảng 100.000 đồng mỗi ngày, những nhân tượng mang trong mình nhiều nỗi lòng không biết tỏ cùng ai. Họ vẫn chấp nhận khó khăn để kiếm sống.
Khi 'tượng' cũng khóc
Với nhiều khu khách và người dân địa phương, nhân tượng (người đóng giả làm tượng) là hình ảnh quen thuộc trên các tuyến phố đi bộ, công viên vào ban đêm ở trung tâm TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Cầu gỗ Lim dọc bờ sông Hương thu hút nhiều người dân, du khách đi bộ, tham quan mỗi đêm
Cùng với các loại hình văn hoá, nghệ thuật, tại các tuyến đi bộ như cầu gỗ Lim dọc sông Hương hay tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, từ lâu, nhân tượng đã tạo nên một dấu ấn, là điểm check-in thu hút đông đảo người dân, du khách.
Phủ trên mình một lớp bột nhũ màu vàng hoặc ánh bạc kim, tạo hình lạ mắt và tư thế bất động hàng giờ, nhiều nhân tượng gây ấn tượng mạnh. Nhưng ẩn sâu trong đó, các nhân tượng cũng gặp không ít chuyện “dở khóc, dở cười”, một số khác còn phải chịu đựng sự đùa cợt khiếm nhã.
Chị Boong và nhiều người khác diễn nhân tượng với mong muốn kiếm thêm thu nhập
Hơn 2 tuần qua, mạng xã hội hướng sự quan tâm đến câu chuyện của chị Hồ Thị Boong (30 tuổi, quê xã A Bung, huyện Đakrông, Quảng Trị). Khi đang biểu diễn ở cầu đi bộ gỗ Lim, chị bị một người đàn ông lạ mặt liên tục đụng chạm vào cơ thể.
Theo chị Boong, khoảng 20h ngày 1/7, trong lúc chị đang diễn tượng thì bị một người đàn ông lạ mặt bất ngờ nhéo mạnh vào tay.
Tuy đau, nhưng vì công việc, chị bình tĩnh trấn an để tiếp tục diễn bất động. Vài phút sau, người này quay lại, tiếp tục nhéo mạnh vào tay nữ nhân tượng.
Đỉnh điểm, lần thứ 3, khi chị Boong đang nói chuyện với du khách, người đàn ông này giả vờ xin bắt tay chị rồi có hành động khiếm nhã, đụng chạm cơ thể.
Sự việc chỉ diễn ra thoáng chốc, người này cũng nhanh chóng bỏ đi, tuy nhiên hành vi khiếm nhã đó đã khiến chị bật khóc vì sợ hãi. Câu chuyện sau đó được chị kể lại trên mạng xã hội, nhận sự quan tâm lớn từ mọi người.
"Nhiều tài khoản còn tức tốc tạo ra các trang, nhóm để truy tìm người đàn ông xấu tính này, đòi lại sự công bằng cho mình”, chị Boong chia sẻ.
Khách ủng hộ nhiều, kẻ đùa cợt cũng không ít
Theo quan sát của PV, hiện nay, trên các tuyến đi bộ ở TP Huế như cầu gỗ Lim, đường Nguyễn Đình Chiểu, xuất hiện khoảng 4 - 5 nhân tượng.
Mỗi nhân tượng tự tạo hình cho mình một phong cách, màu sắc khác nhau để tạo điểm nhấn trên phố đi bộ
Mỗi ngày, vào khoảng 7h tối, các nhân tượng này xuất hiện tại các điểm nói trên với tạo hình độc đáo, bắt mắt, toàn thân và trang phục được phủ lên những lớp nhũ với đủ loại màu sắc khác nhau.
Chia sẻ với PV, các nhân tượng cho biết, mỗi ngày, họ bắt đầu công việc từ khoảng 7h30 tối đến 11h đêm. Quá trình biểu diễn, họ phải làm sao giữ cho bản thân được tĩnh lặng, cho đúng “tượng thật” thì mới thu hút được người xem, đến chụp hình lưu niệm và ủng hộ.
Nhân tượng Hồ Thị Rêm mỉm cười khi được một bạn nhỏ thăm hỏi
Các nhân tượng cũng cho rằng, thực tế quá trình biểu diễn, nhiều lúc họ bị rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì gặp phải du khách khó tính, tìm mọi cách đụng chạm lên cơ thể để thăm dò “độ lì” của nhân tượng.
“Tôi cũng từng nhiều lần bị người lạ quấy rối. Trong đó, lần mà tôi cảm thấy ám ảnh nhất là bị một người đến chạm vào người, phá phách.
Lúc đó, tôi cũng có đôi chút lo lắng nhưng phải cố trấn an để tiếp tục công việc. Như sự việc của chị Boong, tôi cảm thấy rất bức xúc, hành động xấu xí của người đàn ông đó rất đáng lên án”, anh Hà Hoàng Nhật, một nam nhân tượng kể lại.
Ngoài một số người có hành động khiếm nhã, hầu hết khách đi tham quan trên cầu gỗ Lim đều vui vẻ, chụp hình cùng nhân tượng
Cách Hoàng Nhật chỉ vài trăm mét, Hồ Thị Rêm cũng vừa từ huyện miền núi A Lưới về cầu đi bộ gỗ Lim để bắt đầu công việc diễn tượng, kiếm sống hơn 1 tháng nay.
Gặp chúng tôi sau khi vừa ngồi bệt xuống đất, xoa nhẹ 2 đầu gối sau hơn 3 tiếng “bất động” trong vai nhân tượng, Rêm kể: "Là người dân tộc thiểu số, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hơn 1 tháng nay, em xin gia đình xuống TP Huế kiếm việc làm thêm.
Trong một lần đi dạo ở cầu gỗ Lim, em thấy những tạo hình nhân tượng của một số anh chị khá thú vị, bắt mắt, lại nhận được sự ủng hộ của du khách nên em về tìm tòi, mua bột nhũ và tập bước vào nghề.
Mỗi ngày, em biểu diễn từ 19h đến 23h đêm. Hôm nào thuận lợi, khách xin chụp hình nhiều, em cũng nhận được khoản tiền ủng hộ trên dưới 100 ngàn đồng.
Để có thu nhập khoảng 100 ngàn đồng, mỗi tối, Rêm đứng - ngồi bất động diễn nhân tượng hơn 3 giờ đồng hồ
Mặc dù số tiền kiếm được không nhiều nhưng đối với em, nó có ý nghĩa rất lớn vì phần nào giúp em tự chủ được cuộc sống, không khiến cha mẹ ở nhà phải lo lắng”, Rêm chia sẻ.
Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo UBND TP Huế cho biết, nhân tượng xuất hiện tại một số tuyến phố đi bộ đã tạo thành điểm nhấn và kích thích sự khám phá, tò mò của người dân cũng như du khách đến xem, chụp hình.
"Một số vấn đề như những nhân tượng phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh", vị lãnh đạo này cho biết.
Những pho tượng kỳ lạ, dát vàng của ngôi chùa lấy tên từ tiếng hót chim phượng hoàngNgôi chùa cổ từng được ca tụng là danh thắng bậc nhất của thành Gia Định xưa, sở hữu những pho tượng cổ có xuất xứ, vật liệu kỳ lạ.
Bình luận