Từng phát ngán mỗi khi thấy núi Phú Sĩ, chàng thanh niên khiến cả thế giới ngỡ ngàng với những bức ảnh đẹp mê đắm về ngọn núi quê hương
Từng "phát ngán" mỗi khi thấy núi Phú Sĩ, chàng thanh niên khiến cả thế giới ngỡ ngàng với những bức ảnh đẹp mê đắm về ngọn núi quê hương
8:04 | 01/12/2023
(Tổ Quốc) - Chính ngọn núi già của quê hương đã khiến sự nghiệp nhiếp ảnh của Hashimuki trở nên rực rỡ.
Tháng 12 năm 1707, núi Phú Sĩ phun trào, trong 16 ngày hoạt động, trận phun trào đã tạo ra những đỉnh núi thấp hơn nằm ngay dưới chân nó, nhiều hang động ở cánh rừng Aokigahra và khoảng 5 hồ nước. Đó là lần cuối cùng ngọn núi già cựa mình, để chuẩn bị cho một giấc ngủ sâu. Đó cũng là lúc hệ sinh thái xung quanh nó bắt đầu sinh sôi phát triển, để tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp mà du khách khắp thế giới được thấy ở hiện tại.
Núi Phú Sĩ đã trở thành một đề tài quen thuộc đối với các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. Trong đó, Hashimuki Makoto – nhiếp ảnh gia trẻ người Nhật – được coi là tay máy thành công nhất trong việc khai thác đề tài này một cách trọn vẹn.
Hashimuki sinh năm 1977 tại Shizouka, đây cũng là nơi mà núi Phú Sĩ nằm vắt qua. Là một nhiếp ảnh gia "thế hệ mới", anh bắt đầu sự nghiệp cầm máy của mình từ năm 2013, còn trước đó Hashimuki kiếm sống bằng buôn bán.
Hashimuki Makoto – nhiếp ảnh gia trẻ người Nhật.
Núi Phú Sĩ đối với Hashimuki của 10 năm trước là một ngọn núi rất đỗi bình thường. Thậm chí, anh cảm thấy phát chán vì ngày nào, ở đâu cũng nhìn thấy nó. Hashimuki chia sẻ dù sinh ra ở Shizouka nhưng từ bé đến nay anh mới chỉ leo lên Phú Sĩ một lần, đó là năm anh 20 tuổi, anh đã bị say độ cao và thề sẽ không bao giờ leo lên đó nữa. Cho đến nay, anh vẫn giữ đúng lời thề của mình.
Thế nhưng, chính ngọn núi già của quê hương đã khiến sự nghiệp nhiếp ảnh của Hashimuki trở nên rực rỡ. Trong tiếng Nhật, từ "Fuji" (Phú Sĩ) và từ "không thể chữa khỏi" là những từ đồng âm, thế nên người Nhật mới có câu: "Bất cứ ai say mê núi Phú Sĩ đều mắc một căn bệnh nan y". "Có lẽ tôi đã mắc 'căn bệnh đó'", Hashimuki bông đùa.
"Những ngày còn trẻ, tôi bị thu hút bởi ánh đèn rực rỡ và bởi cuộc sống nhộn nhịp ở Tokyo. Nhưng sau vài năm, tôi bắt đầu nhận ra Shizuoka là một nơi tuyệt vời, với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nên tôi quyết định quay lại định cư ở đây.
Thời điểm tôi quay lại cũng là thời điểm mà núi Phú Sĩ được công nhận là Di sản Thế giới. Tôi lúc đó, có một mong muốn rất rõ ràng và gấp gáp rằng mọi người ở Nhật Bản và trên thế giới có thể biết nhiều hơn về ngọn núi này – đỉnh núi cao nhất Nhật Bản và niềm tự hào của người dân đất nước tôi. Vì vậy tôi đã quyết định nghiêm túc với sự nghiệp nhiếp ảnh".
Hashimuki hiện đang sở hữu các tài khoản Twitter và Instagram – nơi anh tự nhận mình là "Siêu nhiếp ảnh gia núi Phú Sĩ" và thỏa sức đăng tải những bức ảnh về mọi tầng bậc "tâm trạng" của ngọn núi già. Những bức ảnh này đều thu hút được lượt thích, chia sẻ và các bình phẩm, khen ngợi từ rất nhiều người theo dõi trên khắp thế giới.
Trong số các tác phẩm của Hashimuki thì bức ảnh chụp đám mây dạng thấu kính khổng lồ trên Núi Phú Sĩ được chụp vào tháng 2 năm 2021 đã có sức lan truyền mạnh mẽ vượt ra ngoài mạng xã hội.
Nó được đăng trên trang bìa của các tạp chí nhiếp ảnh, xuất hiện trên các chương trình tin tức nước ngoài. Thậm chí, một đoàn làm phim từ một chương trình truyền hình nổi tiếng đã liên hệ với Hashimuki để ghi lại quá trình một buổi làm việc của anh.
Để có được những tác phẩm xuất sắc này, Hashimuki đã phải học hỏi cách sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để truyền tải hình ảnh của núi Phú Sĩ và chuyển động của cảnh quan xung quanh ngọn núi, đặc biệt là chuyển động của các đám mây.
Nếu ai có dịp theo chân Hashimuki trong một ngày làm việc đều có thể nhìn thấy một chàng nhiếp ảnh trẻ với tinh thần làm việc vô cùng khẩn trương, nhanh nhẹn để có thể bắt được hình ảnh liên tục thay đổi của ngọn núi. Đứng trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi, đôi tay anh không bao giờ ngơi nghỉ.
Núi Phú Sĩ mờ ảo trong ánh mặt trời buổi sớm. Hashimuki đã chụp bức ảnh này từ cao nguyên Nihondaira xinh đẹp.
Để chứng minh những khoảnh khắc về ngọn núi trong các bức hình của mình là thật, khi chụp, Hashimuki sẽ phát trực tiếp trên trang Instagram cá nhân của mình để mọi người đều có thể chứng kiến một cách chân thực nhất.
Chàng nhiếp ảnh gia có thể sẵn sàng bắt khoảnh khắc bất cứ lúc nào, ngay cả trong lúc thu dọn đồ nghề. Đây là bức ảnh mà Hashimuki đã chụp vội trước khi rời đi sau một buổi "săn núi".
Hashimuki sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để chỉnh sửa ảnh ngay tại chỗ. Là một nhiếp ảnh gia "thế hệ mới" nên anh hiếm khi sử dụng máy tính, thay vào đó là chiếc điện thoại luôn thường trực bên cạnh để có thể tải ảnh lên mạng xã hội hoặc gửi cho nhà xuất bản bất cứ lúc nào.
Đây là một trong những bức ảnh về núi Phú Sĩ nổi tiếng nhất của chàng nhiếp ảnh người Nhật. Hình ảnh "mây ôm núi" hiếm hoi này được bắt gặp ở một góc chụp vô cùng hoàn hảo. Nếu ai nhìn kỹ, có thể nhận thấy bóng của đám mây bao trùm đến một nửa ngọn núi khổng lồ.
Một loạt các đám mây dạng đĩa bay chụm lại khiến vùng trời quanh núi Phú Sĩ như một pháo đài kiên cố.
Một bức ảnh "săn mây" khác của Hashimuki trở thành đề tài thảo luận của rất nhiều người, từ các nhà nghiên cứu thời tiết đến những người đam mê điều huyền bí, rồi cả những người có tín ngưỡng cao.
Biển mây trắng ôm trọn lấy chân núi Phú Sĩ. Bức ảnh này được chụp tại bến cảng Shimuzi, thuộc tỉnh Shizouka ngày nay.
Shizuoka nổi tiếng không chỉ vì núi Phú Sĩ mà còn bởi những đồi trà xanh mướt. Bức ảnh này được chụp vào ban đêm nhưng độ sáng rất "đủ" khi Hashimuki biết cách tận dụng ánh sáng của những ngọn đèn đường. Và bức ảnh này vẫn không thể thiếu đi bóng dáng của ngọn núi Phú Sĩ quen thuộc của anh chàng nhiếp ảnh.
Bức ảnh núi Phú Sĩ về đêm. Ngọn núi hùng vĩ, dải Ngân hà bao la và biển mây trập trùng tạo nên một sự hòa hợp không thể hoàn hảo hơn.
Ở những bức ảnh của Hashimuki, người xem sẽ thấy dù mùa đông hay mùa hạ, mùa thu hay mùa xuân, núi Phú Sĩ đểu rất đẹp, đó là cái tài của Hashimuki khi biết cách bắt trọn đặc trưng của ngọn núi này theo từng mùa.
Bức ảnh chụp pháo hoa vào mùa hè năm 2016 với hình ảnh núi Phú Sĩ đằng sau đã lọt vào Top 10 bức ảnh của năm do Câu lạc bộ Máy ảnh Tokyo bình chọn.
Một trong những góc ảnh mang tính biểu tượng nhất của Phú Sĩ, hoa anh đào và chùa Chureito, nhìn từ Công viên Arakurayama Sengen, ở thành phố Fujiyoshida, tỉnh Yamanashi được Hashimuki đưa lên một tầm cao mới.
Hashimuki và đồng nghiệp của anh đã tiền để thuê một chiếc máy bay Cessna, họ đã có được một bức ảnh tuyệt vời về miệng núi lửa khổng lồ của thế giới.
Nhìn bức ảnh này nhiều người sẽ ngay lập tức nghĩ đến khung cảnh một đàn châu chấu, nhưng sự thật đây là hình ảnh phản chiếu của núi Phú Sĩ xuống cánh đồng mà người ta vừa gieo cấy.
Diamond Fuji là tên của bức ảnh nổi tiếng "Mặt trời đứng trên đỉnh Phú Sĩ", và bây giờ Hashimuki đã tạo ra "Pearl Fuji" – "Mặt trăng trên đỉnh núi".
Nguồn: Nippon