GĐXH - Gần đây, nhiều người bày tỏ bức xúc, lo lắng về tình trạng trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo. Trong số đó, mới nổi là chiêu trò giả danh shipper để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua hàng.
Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Giả danh shipper "ruột" để lừa đảo
"Có phải số điện thoại chị Ngọc Mai không? Chị có đơn hàng Shopee về địa chỉ chung cư Tràng An…, chị xuống nhận hàng cho em với," là nội dung cuộc gọi mà chị Mai, nhân viên ngân hàng ở TP Vinh, nhận được.
Như thường lệ, vì đang trong giờ đi làm chị Mai đề nghị nhân viên giao hàng (shipper), cứ gửi đơn hàng ở tầng hầm khu chung cư chị đang sống và nhắn số tài khoản ngân hàng kèm giá trị đơn hàng 450.000 đồng.
Tin nhắn của các đối tượng giả mạo shipper để chiếm đoạt số tiền khách hàng chuyển khoản.
Dù không nhớ mình có mua đơn hàng quần áo nào như shipper nói, nhưng đầu dây bên kia đọc đúng tên, địa chỉ nên không hề nghi ngờ. Chị Mai vẫn chuyển khoản mà không kiểm tra lại ứng dụng do đang bận. Đến tối về nhà, tìm không thấy đơn hàng được giao, gọi lại cho số shipper không được, chị mới biết mình bị lừa.
"Điều làm tôi lo ngại là họ biết rõ tên, tòa nhà, số tiền của đơn hàng và giọng nói rất bình tĩnh, chuyên nghiệp, như thể đã giao hàng cho tôi nhiều lần. Tôi không biết những thông tin này bị lộ từ đâu", chị Mai đặt câu hỏi.
Rơi vào tình huống tương tự, chị Trần Thanh Thủy (35 tuổi, trú tại chung cư Tân Phát - phường Vinh Tân) khi đang làm việc tại công ty cũng nhận được cuộc gọi, xưng là shipper, thông báo có đơn hàng mang đến chung cư. Do shipper chủ yếu giao hàng trong giờ hành chính nên chị Thủy thường không nhận hàng trực tiếp mà nhờ gửi hàng hộ ở tầng 1 chung cư. Sau đó chị chuyển khoản, về nhà mới kiểm tra và lấy hàng sau.
Shipper đóng hàng để vận chuyển cho khách.
Chị Thủy cho biết: "Chỉ vài phút sau khi giao hàng, shipper liên tục gọi điện, nhắn tin giục tôi chuyển tiền. Họ bảo rằng, do phải giao nhiều đơn nên phải thanh toán nhanh để kịp giao đơn cho người khác. Khi đó tôi bận việc, chủ quan nên đã chuyển khoản ngay".
"Điều đáng nói, sau khi tôi chuyển khoản thành công, shipper đã gọi lại, bảo rằng đã gửi nhầm số tài khoản. Họ gửi cho tôi một đường link Facebook, yêu cầu truy cập để báo với công ty hỗ trợ hoàn trả tiền. Lúc đó, tôi mới nghi ngờ và nhờ hàng xóm xuống tầng 1 kiểm tra xem có hàng không. Tuy nhiên, không có đơn hàng nào được giao. Khi tôi chất vấn lại, shipper tắt máy và tôi không thể liên lạc được nữa," chị Thủy chia sẻ.
Vì đơn hàng không lớn, chị đã không trình báo với cơ quan chức năng, mà chỉ đăng bài lên mạng xã hội để mọi người cảnh giác.
Chị Mai, chị Thủy là một trong nhiều người bị lừa bởi thủ đoạn đơn giản này. Các sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo trong thời gian vừa qua, tuy nhiên tình trạng giả mạo shipper để lừa người dân chuyển tiền vẫn diễn ra trên diện rộng.
Tuyệt đối cảnh giác
Theo cơ quan công an, đây là hình thức lừa đảo mới, hình thức của thủ đoạn này là thông qua các buổi bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, số đối tượng lừa đảo tổ chức thu thập thông tin khách hàng đặt mua sản phẩm từ các bình luận công khai hoặc mua thông tin khách hàng qua các kênh thông tin khác. Khi đã có được thông tin, các đối tượng sẽ giả danh là người giao hàng để gọi giao hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà.
Nếu người nghe nói không nhận hàng được, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng để gửi hàng cho người quen, hàng xóm. Do không thuận tiện để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý với đề nghị này và chuyển khoản thanh toán đến số tài khoản do đối tượng cung cấp.
Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Sau khi nhận được tiền, chúng có thể sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như nhắn nhầm tài khoản thanh toán để hù dọa trừ tiền, sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link có chứa "mã độc" để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền của nạn nhân rồi cắt đứt liên lạc.
Trong trường hợp người nhận hàng nói rằng có thể nhận hàng trực tiếp, đối tượng sẽ lập tức tắt máy bởi đối tượng mà chúng nhắm đến là những người thường xuyên bận rộn, không thể trực tiếp nhận hàng.
"Điều tôi lo lắng và bức xúc nhất lúc này là tại sao những kẻ lừa đảo lại có được chính xác các thông tin của tôi? Tiền thì đã mất rồi nhưng biết đâu một thời gian nữa, những kẻ này lại sử dụng những chiêu trò mới, tinh vi hơn để tiếp tục hành vi lừa đảo", chị Trần Thanh Thủy bày tỏ lo ngại.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Khoa - Phó phòng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An, hiện nay hình thức lừa đảo giả danh shipper đã xuất hiện tại nhiều địa phương, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có thông tin rõ ràng và tuyệt đối không truy cập vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh "mắc bẫy" kẻ gian.
Công an Nghệ An khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng đã đặt. Không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản; tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo.
Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Khi bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần đến cơ quan công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời.
Mất gần 100 triệu đồng do kích vào đường link lạ của shipper gửi
GĐXH - Tình trạng các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn bị mắc bẫy và bị các đối tượng lừa đảo hàng trăm triệu đồng.