Chùa Đất Sét hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm khám phá tâm linh đặc biệt độc đáo, thú vị trong chuyến du lịch Sóc Trăng.
Chùa Cầu và hàng loạt di tích sau trùng tu gây tranh cãi
Không chỉ nổi bật với vô số lễ hội đặc sắc, Sóc Trăng - tỉnh tọa lạc ở vùng hạ lưu phía Nam sông Hậu còn sở hữu hàng trăm công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhỏ và được mệnh danh là "xứ sở chùa vàng".
Bửu Sơn Tự hay chùa Đất Sét chính là một trong những địa điểm du lịch tâm linh độc nhất vô nhị nằm trong số đó. Đây là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đã được chính quyền xếp hạng và vinh danh vào ngày 10/12/2010.
Ban đầu, chùa Đất Sét chỉ là một chiếc am nhỏ được dựng đơn sơ bằng tre, nứa, tranh...
Dừng chân khám phá ngôi chùa, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa, tinh thần cũng như sinh hoạt tôn giáo của người dân Sóc Trăng.
Tuy không gây ấn tượng với quy mô hay kiến trúc xây dựng bên ngoài như chùa Som Rong, chùa Bốn Mặt... nhưng Bửu Sơn Tự khiến bất cứ ai ghé thăm nơi đây đều không khỏi trầm trồ trước vô số hiện vật được tạo hình hoàn toàn bằng đất sét. Điều này đồng thời lý giải cho cái tên "chùa Đất Sét" của công trình tôn giáo độc đáo này.
Theo các vị cao niên, trước đây Bửu Sơn Tự chỉ là một chiếc am nhỏ do ông Ngô Kim Tây xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX với mục đích tu tập. Chùa khi này được làm hoàn toàn bằng những nguyên vật liệu tự nhiên khai thác trong khu vực địa phương như tre, nứa, tranh...
Bức tượng voi trắng làm hoàn toàn bằng đất sét cao khoảng 2m đứng chễm chệ trước con đường dẫn vào chùa.
Mãi đến đời trụ trì thứ 4 của sư thầy Ngô Kim Tòng (1909 - 1970) thì chiếc am mới được mở rộng thêm và tạo thành công trình tôn giáo khang trang như bây giờ. Tương truyền, sự tích về vị sư này cũng rất ly kì. Ngô Kim Tòng là con của ông Ngô Kim Đính, lúc nhỏ thường đau ốm liên miên.
Đến năm 1929 khi ông Tòng 20 tuổi thì lâm bệnh nặng, gia đình chạy chữa không khỏi, chỉ còn cách đưa lên chùa trên núi để cầu khấn. Chẳng ngờ, ông vừa uống thuốc vừa ngồi thiền, tĩnh tâm ấy thế mà dần dần khỏe lại. Sau đó, ông Kim Tòng đi tu rồi về trụ trì đời thứ 4 cho Bửu Sơn Tự.
Không chỉ xây dựng lại ngôi chùa, những bức tượng làm bằng đất sét nơi đây đều do chính tay vị sư Ngô Kim Tòng tạo nên.
Tuy không qua bất kỳ trường lớp điêu khắc, hội họa nào mà chỉ chiêm nghiệm từ dân gian nhưng tác phẩm làm hoàn toàn bằng đất sét của ông có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý báu và đặc sắc.
Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên Hoa là 2 công trình tại Bửu Sơn Tự đã xác lập kỷ lục là hiện vật nhà Phật làm từ đất sét lớn nhất Việt Nam.
Với diện tích khoảng 400m2, chùa sở hữu lối kiến trúc chân phương: Cột gỗ, mái tôn đặc trưng là nơi chứa đựng gần 2.000 tượng Phật lớn nhỏ cùng linh thú, vật thờ được nghệ nhân Ngô Kim Tòng nặn bằng đất sét trong suốt 42 năm (1929 - 1970). Tất cả mang đến nơi đây giá trị văn hóa - nghệ thuật vô cùng đặc sắc và ấn tượng.
Bước qua cổng tam quan và đi thẳng theo con đường bê tông vào cửa bên hông chùa, tín đồ du lịch sẽ nhanh chóng bắt gặp một chú voi màu trắng cao khoảng 2m đứng chễm chệ như đang đón chào bà con Phật tử.
Ngay sau tượng voi làm bằng đất sét là gian chính thờ Phật được bố trí theo hệ tư tưởng "Tam giáo cộng đồng", tức thờ cả Phật, Nho và Lão gồm A Di Đà Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế...
Chính điện chùa Đất Sét.
Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên Hoa được biết đến như những công trình tại chùa Đất Sét được cấp bằng xác nhận kỷ lục là 2 hiện vật nhà Phật làm từ đất sét lớn nhất Việt Nam. Với Tháp Đa Bảo, sư thầy Ngô Kim Tòng đã làm tác phẩm này vào năm 1939 khi ông 30 tuổi.
Tháp cao khoảng 4m được thiết kế vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ với 13 tầng. Mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa lại sở hữu một bức tượng Phật đẹp mắt. Tổng cộng ngọn tháp này có 208 cửa và 208 vị Phật. Bao quanh tháp là 156 con rồng uốn lượn đang trong tư thế bay vút lên trời để hộ pháp cho công trình kiến trúc này.
Khác với tháp, Bảo Tòa Liên Hoa ra đời vào năm 1940. Công trình này cao khoảng 2m, bên trên có hoa sen với 1.000 cánh hình bát giác, phía dưới là 16 nàng tiên nữ đứng hầu. Chân tháp được tạo hình từ 12 con cá hóa rồng cùng tứ linh: Long, lân, quy, phụng vô cùng sinh động và đặc sắc.
Chỉ nhìn hiện vật này thôi cũng đủ để bạn cảm nhận ý Phật thể hiện qua pho tượng đồng thời thầm thán phục tay nghề điêu khắc lỗi lạc của vị sư trụ trì Ngô Kim Tòng. Khi chiêm bái Bửu Sơn Tự, bạn sẽ có cơ hội khám phá nhiều bức tượng làm bằng đất sét hơn nữa như chùm đèn Lục Long Đăng, cặp Kim Lân canh giữ chùa...
Các bức tượng ở chùa.
Ngoài ra tại Bửu Sơn Tự còn có 4 cặp đèn cầy khổng lồ mang đến tên tuổi cho ngôi chùa này. Được biết cuối đời, ông đã tạm ngưng đắp tượng và tiến hành đúc đèn cầy dựng tại các tòa chánh điện trong chùa.
Với khối lượng 200kg cùng chiều cao 2m được tạo hình rất kỳ công, ước tính mỗi cặp đèn như vậy có thể cháy liên tục hơn 70 năm, riêng loại đèn cầy nhỏ hơn nặng khoảng 100kg thì cháy 40 năm.
Từ ngày ông Ngô Kim Tòng viên tịch đến nay, loại đèn cầy nhỏ này được thắp vào mỗi dịp rằm tháng 7 và đã cháy được 1/5 cây.
Tuy đã trải qua nhiều năm nhưng Chùa Đất Sét cùng những hiện vật của mình vẫn nguyên vẹn giá trị nghệ thuật và tôn giáo với thời gian.
Du LịchChùa Cầu Hội An trước giờ khánh thànhTheo VTC News